PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2009

Chập chờn cánh bướm.

 

Trong một entry mới đây, ông bạn Bulukhin ngoài Quảng Bình có nhã ý "khen" tôi "sành" chụp hình. A, cái từ "sành" này nghe hơi lạ. Tôi hay chụp hình ở cơ quan nên cũng có mấy người nói tôi chụp hình đẹp. Tôi cũng hay chụp hoa bướm, chuồn chuồn cây cỏ, mà những thứ này "bản thân" nó đã đẹp nên dễ được mọi người khen. Nhưng khen là "sành chụp hình", thì hình như đây là lần đầu được nghe "quyển tự điển bách khoa di động" (ấy là tôi muốn ám chỉ ông bạn già Bulukhin này).

Tôi là người khá "lơ mơ" trong cuộc sống, kể cả việc chữ nghĩa, học hành, cái gì cũng nửa vời chẳng tới đâu... Ý nghĩa của chữ "sành" cũng có biết qua, sành là sành điệu, sành sỏi... nghĩa là người rành rẽ một chuyện gì, hình như là chữ Nôm chứ không phải chữ Hán. Mà "sành" đối với các cụ xưa là ghê gớm lắm chứ không phải dùng bừa bãi như bây giờ, được cho là sành uống trà chẳng hạn, đích thị là tay cự phách trong việc uống trà, chứ không phải như bây giờ nghe quảng cáo, dùng điện thoại hiệu X... là người sành điệu. Sành đâu phải phải thế, sành là cái có được của "nội tại bản thân" của mỗi người chứ không phải cái ngoại lai mà người ấy có. Anh có bạc tỷ trong tay, xe hơi nhà lầu, du thuyền máy bay, trên người có đeo đầy vàng bạc, hàng hiệu... nhưng văn hóa không có (văn hóa chứ không phải bằng cấp), tâm hồn rỗng tuếch... thì chỉ là anh trọc phú không hơn không kém...

Lan man qua lãnh vực chữ nghĩa của ông bạn Bulukhin chút đỉnh, tôi quay trở về với "nghề" chính của mình. Ngày hôm qua nghỉ lễ, xách máy hình chụp được cánh bướm chập chờn trong một vườn nhà. Thế là vui...

Photobucket

 b4

 b1

 buom

 Photobucket

 Photobucket

 

--> Read more..

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2009

Rất đời thường.

Tôi kể cho các bạn 2 câu chuyện rất nhỏ, rất đời thường mà tôi đã gặp trong cuộc sống: 2 câu chuyện này đều bắt nguồn từ cái tính khá lãng đãng trong chuyện mua bán của tôi.

Câu chuyện thứ nhất:

Cách đây ít hôm tôi ghé vào một tiệm bánh mì quen (có cửa tiệm đàng hoàng làm ăn phát đạt chứ không phải xe bánh mì dọc đường), để mua nửa ổ bánh mì ăn sáng. Tôi đưa tờ giấy 50.000đ, cái cô bé bán sau khi đưa cho tôi nửa ổ bánh mì đã trả lại tôi 5.000đ, tôi cứ thế cầm bánh cầm tiền mà đi, trong đầu lúc ấy chẳng suy nghĩ gì cả. Hơn nửa tiếng sau, khi ngồi chờ làm việc tuốt bên Quận 6, xách nửa ổ bánh ra nhai mới sực nhớ vậy là cô bé kia đã trả thiếu tiền, số tiền cô bé phải thối lại là 45.000đ chứ không phải 5.000đ. Nếu là chỗ mua lạ chắc tôi sẽ không ghé trở lại, nhưng đây là chỗ quen mặt, thôi lát về cứ thử ghé lại xem sao?

Một lát xong việc đi về tôi ghé lại chỗ bán bánh hồi sáng, không gặp cô bé bán, chỉ gặp bà chủ (đâu người cỡ trong ngoài 40 tí chút, to đùng 2 cánh tay đeo đầy vòng semaine vàng rực), bà chủ này cũng quen mặt những lần tôi ghé mua bánh hay gật đầu cười chào. Sau khi nghe tôi "trình bày sự việc", trong tích tắc mặt bà ta nghiêm lại (có lẽ chưa từng bao giờ nghiêm như thế), và phán lạnh tanh: tôi không biết, con bé bán buổi sáng hết giờ đi về rồi, mai ghé nói với nó.

Câu chuyện thứ hai:

Gần nhà tôi có một quán phở khá nổi tiếng, bán ngon, giá bình dân nên rất đông khách, tôi và gia đình hay ghé ăn. Chiều tối qua đi làm về, cậu con gọi điện thoại nói trời nóng nực ngán ăn cơm quá, bố mua phở ăn đi. Thế là trên đường về nhà tôi ghé mua 2 tô bỏ bịch mang về. Trong khi chờ thì tôi trả tiền, đưa tờ giấy 100.000đ, đến khi người trong tiệm đưa bịch phở tôi cầm xong cứ thế mà dông. Khi gần về đến nhà thì có cậu ở tiệm phở phóng xe hộc tốc đuổi theo kêu ơi ới: Ông ơi ông chưa lấy lại tiền thối. Ừ đúng là tôi chưa lấy lại tiền thối. Nhận tiền, tôi thành thật cám ơn cậu trai trẻ.

Ở câu chuyện thứ nhất thì ngày hôm sau tôi không ghé trở lại để tìm cô bé trả thiếu tiền, và chắc chắn sẽ chẳng có lần nào nữa tôi ghé trở lại cái tiệm bánh mì ấy...

Ở câu chuyện thứ hai thì chắc chắn tôi sẽ còn ghé trở lại tiệm phở ấy, cho đến... cuối cuộc đời của mình...

Kể từ bây giờ tôi rất khoái phở.

--> Read more..

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

Ghi chú thêm về "Quốc tự".

Photobucket

Cổng của "Quốc Tự".

 Photobucket

Nội thất vàng rực của điện thờ kiểu phương đông.

Photobucket

Trần điện thờ trông giông giống trần nhà thờ La Mã thời Phục Hưng. 

Photobucket

Trong điện thờ đặt 3 bức tượng dát vàng 24. Trên cùng là tượng Phật, thấp hơn là tượng vua Hùng, và cuối cùng thấp nhất là tượng bác Hồ. Tượng vua Hùng và bác Hồ ngồi trông giống hình ảnh mấy ông quan triều Nguyễn.



Tôi trở lại "Quốc Tự" này bằng mấy tấm hình lấy trên mạng. Có lẽ chủ nhân của khu du lịch này "nhân danh" cái điện thờ trong đó có tượng dát vàng 24 của Phật, vua Hùng, bác Hồ, mà lấy tên "Quốc Tự" đặt cho toàn khu du lịch. Các bạn cứ vào Google gõ mấy chữ Đại Nam Quốc Tự là nó ra quá trời hình ảnh và bài viết về chốn rởm đời này.

Trên cùng của điện thờ là tượng Phật, ở giữa là tượng vua Hùng, cuối cùng là tượng bác Hồ (nghe đâu bây giờ cấm chụp hình rồi, sợ ăn cắp ý tưởng "độc đáo" chăng?). Chắc chủ nhân khu du lịch này nghĩ Phật thì phải để trên hàng cao nhất, vì "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn" mà. Vua Hùng có "công dựng nước" thì để hàng thứ nhì, và bác Hồ "có công giữ nước" thì để ở hàng thứ ba.

Theo sách vở, 18 đời vua Hùng ở nước ta bắt đầu từ năm 2879, kết thúc vào năm 258 trước Công nguyên. Có nghĩa là lấy mốc từ năm 2879 TCN cộng thêm 2009 năm Công nguyên, thì từ thời dựng nước của các đời vua Hùng đến nay đã ngót nghét 5.000 năm, đối với vua Hùng thì đức Phật chỉ là "hậu sinh", vì "tuổi đời" của ngài còn quá nhỏ (tôi không nhớ năm nay là năm bao nhiêu của Phật lịch, đâu khoảng trên 2.000 năm). Ở vào thời của các vua Hùng, cho dù là vị vua đời thứ mười tám cuối cùng, cũng chẳng làm sao có được khái niệm Đức Phật hay Phật pháp.

Thêm điều này, đức Phật đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc, lấy khổ hạnh để đi tìm sự giải thoát, và hình ảnh bác Hồ luôn giản dị trong bộ kaki hay áo nâu sòng. Thế mà trong cái điện thờ này đã khoác lên cho những bức tượng toàn vàng 24. Không biết dưới suối vàng, từ Đức Phật,vua Hùng, cho đến bác Hồ sẽ cười hay khóc khi nhìn thấy tượng mình như thế...

--> Read more..

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

Nhà hát trên giấy, nhạc cụ trong kho.

Cũng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày thứ bảy 25/4/2009, tôi đọc được cái tựa như thế nơi trang Văn hóa - nghệ thuật - giải trí. Bài báo nói về việc xây dựng một nhà hát giao hưởng hiện đại cho thành phố, và việc mua sắm nhạc cụ chuyên dùng cho nhà hát này, 81 nhạc cụ trị giá 47 tỉ đồng đã về tới, trong khi nhà hát vẫn còn nằm trên giấy dù đã được triển khai nhiều năm nay...

Để xứng tầm là một thành phố hiện đại và văn hóa, việc thành phố HCM cho nhập bằng ngân sách số nhạc cụ chuyên dùng để biểu diễn trong giàn nhạc giao hưởng và vũ kịch trị giá lên đến 47 tỉ đồng là cần thiết (tốt nhất Đông Nam Á và không thua kém nhạc cụ trong giàn nhạc giao hưởng Châu Âu), nhưng 81 nhạc cụ chuyên dùng này hiện đang chịu cảnh... lêu bêu vì không có chỗ ở chính thức. Rạp hát Thanh Vân ở đường Cách Mạng Tháng 8 Q3, được dùng làm cơ sở cất giữ và tập luyện cho các nghệ sỹ của nhà hát. Rạp hát Thanh Vân tôi cũng được biết, tuy chưa một lần nào bước chân vào xem. Đây nguyên là một "Cinéma" nhỏ nằm trong khu dân cư ồn ào đông đúc. Trước năm 75 chỉ là một rạp ciné hạng 3 hạng 4 gì đó, chiếu những phim cũ kiểu thường trực với giá vé đồng hạng, rẻ, dành cho giới bình dân. Chắc chắn rạp hát không đủ tiêu chuẩn để cất giữ những nhạc cụ rất đắt tiền này, và cũng chắc chắn phòng ốc không đủ tiêu chuẩn để tập luyện.

Ngoài rạp hát này thành phố cũng có kế hoạch sửa chữa rạp Nhân Dân trong Q5, để tập luyện và biểu diễn, trong khi chờ dự án xây dựng nhà hát giao hưởng mới của thành phố được thực hiện (dự kiến đặt tại công viên 23/9 với diện tích khoảng 12.000m2). Rạp hát Nhân Dân có khá hơn rạp Thanh Vân chút xíu, nhưng thực sự 2 rạp hát này chỉ để chiếu phim, trình diễn tạp kỷ hoặc... tấu hài, từ vị trí cho đến bố trí nội thất của rạp, hoàn toàn không thích hợp cho việc trình diễn nhạc giao hưởng và vũ kịch.

Vậy thì có một nơi nào khác thích hợp cho một Nhà hát giao hưởng của thành phố?

Giám đốc của Nhà hát giao hưởng và vũ kịch hiện nay đề xuất xin được sử dụng nhà hát thành phố tại Q1 trên đường Đồng Khởi, để làm nơi cất giữ nhạc cụ, luyện tập và biểu diễn. Nơi đây hoàn toàn đáp ứng được cho tất cả những yêu cầu này. Nhà hát được người Pháp xây dựng đã trên 100 năm, chuẩn về kiến trúc nội ngoại thất, kiến trúc âm học của nội thất đã được người Pháp thiết kế hoàn chỉnh, không cần những thiết bị điện tử để tăng âm cho giàn nhạc, có tầng hầm để cất giữ nhạc cụ chuyên dùng, vị trí quá lý tưởng, không gian biểu diễn của nhà hát không lớn lắm, hoàn toàn thích hợp cho việc trình diễn nhạc giao hưởng, opéra, ballet... nhưng yêu cầu này bị bác bỏ, bởi vì người ta đang làm kinh tế ở đó, hình như ngoài việc thỉnh thoảng có biểu diễn nhạc, kịch... nơi đây còn cho mấy trường dạy sinh ngữ ngoại quốc thuê để phát văn bằng cuối khóa cho... xôm tụ, và hình như còn có cả nhà hàng và khách sạn trong nhà hát...!

Xem ra việc bỏ 47 tỉ đồng để mua nhạc cụ chỉ là chuyện... nửa vời!

--> Read more..

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Đại Nam Quốc Tự ở Bình Dương?

Trên báo Tuổi Trẻ ngày hôm nay, thứ bảy 25 - 4 - 2009, nơi trang 11 Nhịp Sống Trẻ có một cái tin như thế này "10 điểm đến trong nước được tìm kiếm nhiều nhất", đứng đầu là Đại Nam Quốc Tự ở Thị Xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Đọc tin này tôi cảm thấy ngờ ngợ, ở Bình Dương thì hồi nào giờ tôi có biết chùa Bà Thiên Hậu, một ngôi chùa của người Hoa khá nổi tiếng, dịp rằm tháng tháng giêng hàng năm nghe nói có cả triệu người tứ xứ đổ về lễ bái, phước đâu chưa thấy, chỉ biết nhiều người trong số khách thập phương này "làm mồi" cho nạn móc túi, chặt chém... vô tội vạ. Thử vào Google search, thì ra đây chính là Khu du lịch Đại Nam lạc cảnh gì đó (cái này ông bạn Bulukhin đã có kinh nghiệm... thương đau trong dịp tết vừa rồi, gia đình bạn khăn gói đến đây du xuân, bạn bị móc túi mất điện thoại, trong túi không có tiền, lạc cả... vợ), của một đại gia ở tỉnh Bình Dương, một khu du lịch quá đỗi hoành tráng, đủ mọi thứ công trình được nhồi nhét vào trong đó.

Đa số các công trình ở đây được xây dựng nửa ta nửa tàu, có công trình giông giống cái chùa, bên trong có thờ tượng Phật, vua Hùng, bác Hồ, những bức tượng đều được dát vàng 24, nội thất điện thờ quá đỗi lộng lẫy, một màu vàng chóe kiểu cung điện Ngàn lẻ một đêm, nhưng cái trần lại được vẽ vời giống như trần nhà thờ xưa ở Rome bên Ý... có công trình trông giống như cổng Đại nội Huế, có công trình trông giống chùa... Miên, có khách sạn đến 5.000 phòng..., có cái gì đó từa tựa như biển Tiên đồng Ngọc nữ ở Suối Tiên, và đặc biệt có cả phòng thờ gia tộc người làm ra cái công trình này (hichic)... Nơi đây thực sự là một cái... lẩu thập cẩm về đủ mọi thứ...

Nhìn những tấm hình lần đầu tiên được coi trên mạng ấy, tôi chỉ cảm thấy khó chịu. Khó chịu không phải ở số tiền được đầu tư rất lớn (nghe nói tới mấy trăm triệu đô la), cũng không phải ở những công trình hổ lốn trong đó. Đây là một công trình của tư nhân, đẹp đẽ hay  kệch cỡm là chuyện của họ. Tôi chỉ muốn nói tới cái tên gọi Đại Nam Quốc Tự mà nơi cổng chính của khu du lịch này có đề rành rành. Ai cũng hiểu Quốc là Nước, Tự là Chùa. Một nơi như Trúc Lâm Yên Tử, cái nôi của Phật giáo Thiền tông Việt Nam, còn chưa dám "tự phong" cho mình như thế, huống chi đây chỉ là một khu du lịch của tư nhân. Giáo Hội Phật Giáo nghĩ gì nhỉ? Hay là Giáo Hội Phật Giáo sẽ cử người tới "trụ" ở ngôi "chùa" có cả khách sạn này?

--> Read more..

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2009

Vẫn là tôi.

Photobucket

Buổi sớm. 

Photobucket

Chiều tím.

 Photobucket

Đêm trăng. 

Photobucket

Mò cua bắt cá.

 Photobucket

Gã gà trống trong vườn.

 Photobucket

Tắc kè đất đỏ.



Thỉnh thoảng đi đâu đó, những bông hoa, những con vật tình cờ bắt gặp trên một bờ ao, trong vườn nhà, khó lòng thoát khỏi máy hình của tôi, chúng là một phần cuộc sống...

Vẫn là tôi, một gã chưa phải là đã già lắm, nhưng chắc chắn không còn trẻ, với giấc mơ của mình...

--> Read more..

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2009

Susan Boyle - Tôi mơ một giấc mơ.

Photobucket

 Photobucket

Ảnh lấy từ trang VnMedia.

(VnMedia) - "Tôi mơ một giấc mơ khi thời gian qua đi. Khi hy vọng còn nhiều và cuộc đời còn đáng sống. Tôi mơ tình yêu không bao giờ chết... Không có bài hát nào không được hát, chai rượu nào không được nếm... Tôi mơ giấc mơ cuộc đời tôi rất khác với địa ngục tôi đang sống. Khác với những gì tưởng như đang xảy ra..."

Tôi nghe và xem Susan Boyle hát I dreamed a dream - Tôi mơ một giấc mơ (trong vở nhạc kịch Les Misérables)- Trên mạng Youtube, trong cuộc thi Britain's Got Talent, một dạng như Americain Idol. Người phụ nữ quê mùa cục mịch 47 tuổi sinh tại Scotland, vùng Blackburn ấy, khi bước ra sân khấu khán giả và Ban giám khảo đã che miệng cuời, nhưng khi cô cất giọng hát, một giọng hát trong trẻo vang lên khiến khán phòng lặng đi, và rồi xen vào giữa những câu hát cho đến khi bài hát chấm dứt là những tràng vỗ tay không ngớt của khán giả... Hình ảnh và giọng hát của người phụ nữ độc thân, thất học, đến từ một làng quê nhỏ của nước Anh, trong một gia đình nghèo có đến 9 anh chị em, đã đi vào lòng người...

Cuộc sống bây giờ là thời của cái đẹp bề ngoài, công nghệ "lăng xê", và kỹ thuật, những ngôi sao đẹp đẽ, lộng lẫy trên các sân khấu trình diễn, thời trang, điện ảnh... nhiều khi lóe sáng rất nhanh, nhưng rồi cũng nhanh chóng lụi tàn, bởi ngoài cái vẻ đẹp bên ngoài ấy chẳng còn một cái gì khác...

Một phụ nữ như Susan Boyle, có khuôn mặt của "một người đàn ông không đẹp trai", nhưng bằng giọng hát thiên phú, cái dáng vẻ mộc mạc của chính bản thân, đã chinh phục được không những khán giả của nước Anh, mà trong những ngày qua, đã hơn 33 triệu lượt người truy cập vào trang của Youtube để xem và nghe Susan Boyle hát...

Tự nhiên tôi nghĩ, nếu Susan Boyle mà ở Việt Nam, đi thi Viet Nam Idol, không biết có được như thế không...?

* Nghe Suasan Boyle hát tại địa chỉ www.youtube.com/watch?v=9lpOIWv8QZY

--> Read more..

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2009

Cuộc sống từ đất.

Photobucket



Có lẽ thế, ít ai phủ nhận cuộc sống bắt nguồn từ đất, kinh thánh chép con người do Chúa trời tạo dựng bằng cách lấy đất sét nặn thành, và khi "ngỏm củ tỏi" thì xác thân lại trở về với đất. Có lẽ lấy "cảm hứng" từ câu chuyện này mà nhạc sĩ đặt thành lời hát "hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi..."

Một hôm đi xa về một miền đất đỏ, buổi trưa nắng ngồi bên hiên nhà với ly cà phê, tình cờ nhìn thấy một mầm cây trong vườn, một mầm xanh giữa cái nắng chói chang, vươn lên từ đất đỏ và những chiếc lá úa. Cái mầm xanh của sự sống hình như là cây me, và những chiếc lá đã chết thu hút mắt nhìn của tôi. Cái mầm xanh nhỏ nhoi ấy chưa chắc đã có thể lớn lên được, chỉ một vài nhát bươi hay mổ của đàn gà, hoặc một bước chân vô tình cũng sẽ dẫm nát. nếu may mắn mầm xanh sẽ lớn thành một cây me trưởng thành, ít nhất cũng cho bóng mát, có ích cho đời sống, còn những chiếc lá úa trên mặt đất chúng sẽ mục nát, tiếp tục làm một thứ phân bón cho đất để mầm cây lớn lên...

Đã lâu tôi mới về một vùng đất đỏ, buổi trưa nghe tiếng gà gáy chơi vơi...

--> Read more..

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2009

Lễ vía Bà Thiên Hậu của người Hoa.

Photobucket

 Một ngôi chùa thờ bà Thiên Hậu ở đường Nguyễn Trãi Quận 5.

Photobucket

Một loại bánh cúng.

 Photobucket

 Heo quay cúng được xếp hàng dãy.

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Trong chùa Tàu không thể thiếu nhang đèn.

Photobucket

 Photobucket

Du khách ngoại quốc ăn mặc thoải mái khi vào chùa.

 Photobucket

Bánh cúng.

Photobucket

 Photobucket

Trong những buổi lễ khói hương nghi ngút.



Sáng nay đi công việc trong Chợ Lớn ngang qua mấy chùa Tàu, thấy khói hương nghi ngút, nhẩm lại không phải ngày rằm hay mùng một, ghé lại một ngôi chùa hỏi, thì ra là lễ vía bà Thiên Hậu của người Hoa. Sẵn có mang theo máy chụp hình, thế là xong việc tôi ghé lại mấy ngôi chùa thờ bà Thiên Hậu làm một "phóng sự ảnh".

Bà Thiên Hậu là một trong hai người được thờ chính trong những ngôi chùa của người Hoa ở nước ta, tập trung nhiều nhất trong khu vực quận 5 Chợ Lớn. Những ngôi chùa Tàu thờ bà Thiên Hậu được gọi là chùa Bà, những ngôi chùa thờ Quan Vân Trường (Quan Công) được gọi là chùa Ông, và thường những ngôi chùa này nằm trong những khu vực có nhiều người Hoa sinh sống. Tương truyền bà Thiên Hậu quê ở tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc sống vào thời Tống, thuở nhỏ đã có tài xem thiên văn, đoán thời tiết giúp ích rất nhiều cho những người đi biển. Khi thác thường hiển hiện trên biển để giúp đỡ những người chẳng may gặp hoạn nạn trong giông bão, cũng có nơi gọi là Phật Bà Nam Hải...

Những ngôi chùa của người Hoa thường có một tính cách đặc biệt là rất hiếu khách thăm viếng, họ không bao giờ phàn nàn hay tỏ thái độ với người ghé chùa. Bất kể là ai, có khi là một bà nội trợ mặc đồ bộ đi chợ tạt ngang, hay một chị buôn thúng bán bưng áo quần lấm lem xốc xếch ghé vào, hay một du khách ngoại quốc quần soọc áo thun, váy dài váy ngắn, hở lưng hở ngực... Khách vào không cần phải lễ bái cúng dường, tha hồ tham quan, hỏi han, chụp hình ảnh, nếu muốn hỏi han điều gì đều được trả lời ân cần. Tôi vào chùa Tàu nhiều lần có lẽ những người coi chùa cũng quen mặt, thường trước khi muốn chụp hình tôi ghé lại chỗ họ chào hỏi, xin phép, và họ giải thích rất cặn kẽ những gì mình muốn tìm hiểu.

Những điều này có lẽ cũng lý giải được phần nào, tại sao người Hoa có mặt trên khắp thế giới, và ở nơi nào họ cũng làm ăn khấm khá, thành công nhiều hơn là thất bại...

--> Read more..

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009

Lễ Chôl Chhnăm Thmây

Photobucket

 Photobucket

 Bàn thờ của chùa Khmer đầy màu sắc.

Photobucket

 Photobucket

 Những tượng Phật.

Photobucket

Nhà sư.

 Photobucket

Một cô gái người Việt gốc Khmer đẹp như người mẫu đang chụp hình người thân.


Ngày tết Chôl Chhnăm Thmây là một trong 3 ngày lễ lớn cổ truyền của người Việt gốc Khmer Nam bộ. Đó là những ngày lễ Chôl Chhnăm Thmây, Sen Đôn Ta, và Ok Om Bôk (cúng trăng, đua ghe Ngo), cũng là một trong những ngày tết của các dân tộc theo đạo Phật vùng Đông Nam Á như Cambodia, Thailand, Laos, Myanmar. Trong ngày tết Chôl Chhnăm Thmây, người ta có tục bôi mặt bằng phấn và ra ngoài đường té nước vào nhau rất vui vẻ...

Tôi ở quận 3 Sài Gòn, gần một ngôi chùa Khmer, mấy hôm nay đi ngang qua chùa thấy rất đông người Việt gốc Khmer đến lễ bái, tò mò ghé vào chùa chụp vài tấm hình. Có người đi lễ nói với tôi hôm qua chú ghé vui lắm, nhưng mà coi chừng bị tạt nước ướt hết...

Tôi post lên vài tấm hình để các bạn xem.

--> Read more..

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2009

Tháng 4 ở rừng cao su.

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket


Cuối tuần vừa qua bạn điện thoại cho tôi, thứ hai tuần sau đi Bình Long không? Tôi thoáng ngập ngừng một giây, để tôi báo xin phép nghỉ. Thế là sáng sớm thứ hai hôm qua tôi leo lên xe bạn dông tuốt đi Bình Long. Cơn mưa sớm đầu tuần ở Sài Gòn khá lớn và kéo dài đến tận Bình Dương, qua khỏi Bình Dương thì trời tạnh ráo, 2 tiếng chạy xe trên quốc lộ 13 rộng thênh thang thì đến Bình Long, 7g30 còn kịp ghé lại một quán cà phê ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng.

Sau năm 75 thì gia đình bạn đi kinh tế mới ở vùng đất này, ngày ấy Bình Long vừa trải qua những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh, bạn kể nhà bạn có mấy anh em tất cả còn nhỏ, cha mẹ gồng gánh đến đây, ngày ấy đất đai còn hoang vu lắm, chung quanh thị xã Bình Long chỉ toàn rừng rậm, dân thành thị chưa quen với cái cuốc cái rẫy, muỗi mòng nhà tranh vách đất, thú dữ và bom đạn còn sót lại, kể cả cái đói.

Vậy mà anh em bạn vẫn lớn lên, học hành tử tế, sau đó thì anh em bạn đi làm chuyển về lại Sài Gòn, nhưng ông cụ thân sinh ra bạn đã nằm lại vùng đất này, hàng năm đến dịp thanh minh tháng 3 thì anh em bạn lại trở về sửa sang lại mồ mả, thắp cho ông cụ nén nhang. Nơi chôn ông cụ thân sinh bạn nằm kế một rừng cao su, trong khi anh em bạn dọn cỏ cho ngôi mộ, cúng bái thì tôi lang thang vào rừng cao su. Ngoài trời đang nắng chang chang cháy da, thế mà bước chân vào rừng cao su đang xanh lá khí hậu mát hẳn. Có lẽ những tán lá xanh của cây cao su đã lọc không khí và giữ cho thảm lá vàng dưới chân luôn ẩm.

Tôi đã có những năm tháng ở cao nguyên, đã quen với rừng rú nói chung và cả những khu rừng cao su. Ngày ấy từ trên máy bay nhìn xuống khu vực Bình Long, Phước Long, kéo dài lên tới Quảng Đức (Dak Nông bây giờ), đến tận Ban mê Thuột, Pleiku, Kontum... chỉ toàn một màu xanh của rừng núi, thỉnh thoảng một đoạn đường lộ ngoằn ngoèo hiện ra như một dòng sông, rồi lại mất hút giữa bạt ngàn cây cỏ. Bây giờ có lẽ rừng đã bị thu hẹp diện tích do con người tàn phá, ở đây có dân tộc thiểu số Stiêng sinh sống, họ hầu như không còn giữ được những gì thuộc về văn hóa của họ mà tôi đã được biết, họ đã được định cư trong những thôn xóm rải rác, trong những căn nhà gạch tồi tàn, hay nhà tạm tre nứa xiêu vẹo, họ ăn mặc như người kinh nhưng những người Stiêng mà khi ngồi trên xe ngang qua những thôn xóm của họ, trông buồn và ngơ ngác...

Trong rừng cao su thì chẳng có một cái gì ngoài cây cao su, lá xanh, đến mùa rụng lá thì cây cao su chỉ còn trơ lại cành, nhưng rừng cao su rụng lá cũng có vẻ đẹp riêng của nó. Một lúc lang thang giữa những cây cao su tôi chỉ bắt gặp những con chuồn chuồn bay đây đó, và tôi đã canh chụp được vài con đang đậu. Đất ở vùng Bình Long là loại đất đỏ bazan như ở Dak Nông, Ban Mê Thuột hay Pleiku, cái loại đất mà ngày xưa khi tôi ở mùa nắng thì bụi đỏ mù trời, mùa mưa trở thành đất sét nhão trơn trượt, đi bộ hay xe máy trên những con đường đất đỏ mùa mưa thì chuyện "đo đường" là bình thường, tôi đã nhiều lần đo đường như thế...

Đã rất nhiều năm trôi qua, hôm qua tôi lại được lang thang một mình trong rừng cao su, và lại vào dịp tháng 4...

--> Read more..

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2009

Chuyển nhà.

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket



Chào các bạn.

Ngôi nhà bên yahoo dột nát quá rồi mà mùa mưa lại sắp tới, "tuổi hạc ngày càng cao" nên đành gồng gánh sang bên này tạm tìm một chỗ trú thân. Thử Post lên vài tấm hình, gõ vài chữ xem sao. Hy vọng sẽ gặp được các bạn cũ bên này.

Thân ái.

--> Read more..