PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

Hoa tết.

Photobucket
Một loài hoa mai năm nay mới nhìn thấy, có 5 cánh nhưng nụ trông khác.

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket
Một giống hoa đào thấy hơi lạ.

 Photobucket

 Photobucket
Địa lan.

 Photobucket

 Photobucket
Phong lan (Hồ điệp).



Những ngày tết ở miền Nam là mùa đẹp nhất trong năm, trời không mưa, nắng không quá gay gắt như mấy tháng hè, cũng không quá lạnh như miền Bắc, khí hậu thích hợp cho muôn hoa đua nở, khoe sắc thắm. Ngoài những giống cây đặc trưng cho mùa tết đã có từ lâu đời như mai vàng, hoa đào... người ta cũng thường trưng bày hoa lan, là loài hoa lâu tàn và có nhiều màu sắc rất đẹp.

Dịp tết lan man ngắm nghía các loài hoa, với chiếc máy chụp hình là sướng nhất...

 

--> Read more..

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

23 tháng Chạp - Đưa ông Táo.

Hôm nay đã 23 tháng Chạp, là ngày dân gian đưa ông Táo về chầu Trời, theo truyền thuyết gia đình Táo quân gồm 2 ông nhưng chỉ có 1 bà (ai bảo xưa kia chỉ đàn ông mới biết năm thê bảy thiếp?), gia đình 3 người nhưng khi về chầu Trời thì chỉ thấy có một ông đại diện, phương tiện "truyền thống" của Táo quân là cá chép, hình ảnh ông Táo cỡi cá chép, tay cầm cuộn sớ, mặc áo dài, đội mão, đi hia, nhưng hơi lạ và kỳ cục là chẳng thấy mặc quần...

Truyền thuyết tại sao 2 ông mà chỉ có 1 bà chắc chúng ta ai cũng rõ, nhiệm vụ của gia đình Táo là trông coi chuyện bếp núc và "để ý" mọi việc trong nhà cho gia chủ, cái này coi thế mà cực kỳ quan trọng, cuối năm ông Táo về chầu Trời là để báo cáo, có nghĩa là "tâu bẩm" mọi chuyện trong nhà của gia chủ cho nhà Trời nắm rõ, để mà Trời còn lo liệu thưởng phạt gia chủ trong năm mới. Mâm cúng ông Táo đơn giản không cầu kỳ, chỉ ít bánh kẹo (trước đây có mấy thứ kẹo gọi là Thèo lèo cứt chuột), ít giấy tiền vàng bạc cho Ông làm lộ phí đi đường, và con cá chép để ông cỡi về trời, cúng xong con cá chép được mang ra sông thả. Ngày xưa có nhà cả năm trong nhà lục đục hoài, đến cuối năm tiễn ông Táo về chầu Trời thì cúng cho Ông hộp kẹo mạch nha cho ông xơi, để ông dính răng dính miệng lên trời không "tâu" được chuyện của gia đình mình.

Thông thường, khi cúng tiễn ông Táo người ta cũng làm thêm một mâm để tạ ơn Thổ thần Thổ địa, cũng là một "chức quan" nhỏ của nhà Trời như ông Táo, Thổ thần Thổ địa trông coi việc đất đai nhà cửa của gia chủ, bây giờ gọi là "địa chính", nhà cửa thì thời nào cũng thế, luôn luôn quan trọng vì có giá trị nhất trong tài sản của gia chủ, đất đai nhà cửa lên giá cũng có nghĩa là tài lộc của gia chủ tăng thêm, cho nên cuối năm cũng phải nhớ đến vị thần này mà lễ tạ. Nếu ông Táo cúng ở bếp, thì Thổ thần Thổ địa cúng ngay dưới đất chỗ ngạch cửa, lễ vật cũng đơn giản như cúng ông Táo...

Trong mâm cúng ông Táo, Thổ thần Thổ địa người ta cũng thường bày thêm món canh và một món mặn, món canh hay thấy canh khổ qua, chắc ý muốn cuối năm cái khổ sẽ qua đi... Bây giờ không biết cúng ông Táo người ta sẽ cầu khẩn, nói năng những gì, ngày xưa gia chủ thắp mấy cây nhang và khấn đại khái... "Hôm nay ngài sắp về trời/ Lòng con tâm niệm vài lời cầu xin/ Cầu cho trăm họ bình yên/ Cầu cho gia đạo ấm êm thuận hòa/ Xanh như lá đẹp như hoa/  Bước sang xuân mới trẻ già yên vui...".

--> Read more..

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Tết.

Photobucket

Photobucket

Mai và hoa kiểng miền Tây chở lên bằng ghe thuyền bán tại Saigon.



Hôm nay đã là 21 ta, còn khoảng mươi ngày nữa là đến tết, và mốt là 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời. Tục lệ đưa ông Táo về trời thì chắc ai ai cũng biết, hằng năm đến ngày này là dân gian làm một mâm cúng nhỏ đơn sơ, gồm một ít bánh kẹo, trái cây, ít giấy tiền vàng bạc đưa ông Táo về chầu trời, mang theo một cái sớ dài ngoằng để báo cáo sự việc xảy ra một năm ở nhà gia chủ. Phương tiện ngày xưa về chầu trời của ông Táo là con cá chép, bây giờ tục lệ đưa ông Táo vẫn còn phổ biến nhưng hiếm nhà cúng cá chép nữa.

Ngoài đường phố xá hình như nhộn nhịp hẳn lên, xe cộ ngược xuôi, hàng hóa đã lại tăng giá (trong năm đã tăng nhiều lần rồi), rất nhiều người Việt xa xứ dịp tết lại trở về thăm thân nhân, quê hương, hưởng cái không khí tết mà chắc chắn bên nước ngoài, nhất là các nước Âu, Mỹ không thể nào có... Trong nước thì những người đi làm ăn xa cũng nôn nao chờ ngày trở về với quê, mang theo ít quà bánh... Năm nay tết được nghỉ dài ngày, thể nào cũng có nhiều người sau một năm tối tăm mặt mũi với công việc, thu xếp đi du lịch xả hơi đâu đó, cùng gia đình...

Bây giờ thì chẳng như ngày trước, tết nhà nhà lo phơi kiệu, củ hành, dưa muối... rồi lo gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ gói ít tấm bánh chưng hay những đòn bánh tét, có những chị khéo tay còn mua các loại trái cây, củ... về tự làm mứt để tết mời khách... Tất cả đã có sẵn, bày bán đầy ở chợ, trong siêu thị, thật là tiện lợi chỉ lo vấn đề vệ sinh thực phẩm, đọc báo thấy người ta làm bánh mứt, lạp xưởng, cả rượu dỏm, giả... thấy kinh hãi quá, ăn uống những loại này có mà đi bệnh viện như chơi, thậm chí những đệ tử của lưu linh có khối kẻ đã "hui nhị tì" vì uống phải các loại "quốc tửu" dỏm...

Mươi ngày trước tết, có lẽ là thời gian bận rộn cũng là vui (hoặc có khi buồn) nhất trong một năm, vui với những người xum họp, trong túi may mắn rủng rỉnh ít tiền thưởng tết để mà mua sắm, lo tết... Còn với những người vì lý do gì đó không về được quê nhà, hoặc "hẻo" quá chẳng lo được một cái tết tươm tất cho gia đình, con cái, thật là buồn...

--> Read more..

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Bình chọn quốc hoa (có lẽ là hoa sen, chứ không phải mồng gà như có người đề nghị), sẽ tới bình chọn quốc phục, và kể cả bình chọn quốc... tửu, haha, vụ này chắc dân "cờ tây" sẽ tham gia nhiệt tình...!

--> Read more..

Rằm tháng chạp.

Photobucket

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket



Hôm nay là 16 tháng chạp, đã qua ngày rằm, còn đúng nửa tháng nữa là tết, ngoài đường phố đã nhộn nhịp kẻ buôn người bán, chớp mắt một năm đã sắp qua. Hôm nọ đến đền Đức Thánh Trần, một ngôi đền của người Việt, xem lễ tạ cuối năm, hôm nay ghé mấy ngôi chùa Tàu của người Hoa, ngắm nhang vòng... Ở miền Nam, nơi nào có cộng đồng người Hoa sinh sống là có chùa... Tàu, mà phải là chùa Ông và chùa Bà, Ông là Quan Công (Quan Vũ  tự là Vân Trường, một võ thánh đời Tam quốc), Bà là Thiên Hậu (Thiên Hậu Thánh Mẫu, được người đời xem là thánh vì chuyên giúp người hoạn nạn trên biển), dĩ nhiên Ông và Bà ở đây chẳng liên quan gì đến nhau.

Người Việt gọi là chùa Tàu có lẽ để phân biệt với chùa Việt, chứ từ xưa kia (trước năm 75) tên gọi chính thức của chùa Tàu là Hội quán, một nơi có lẽ không hẳn chỉ để thờ phượng, mà là nơi để cộng đồng người Hoa đến gặp gỡ, sinh hoạt... Việc thờ phượng ở chùa Tàu cũng khác chùa Việt, chùa Tàu không có sư sãi như chùa Việt, mà có Ban trị sự trông coi, người Hoa thờ đa thần, gọi là chùa Ông (thờ Quan Công) , chùa Bà (thờ Bà Thiên Hậu), thật ra trong chùa Ông, chùa Bà thờ đủ cả, Phật Thích Ca, Phật Bà, đến Thày trò Đường Tăng, ông Thiện ông Ác, Thổ thần, Thổ địa, Thần tài... và một nét khác biệt dễ nhận thấy nữa, là ở chùa Tàu những ngày lễ tết hay thắp những nhang vòng treo trên cao, những nhang vòng này là  của người đến chùa thắp cầu may mắn, gia đạo bình an... Một nhang vòng như thế thắp lên cháy suốt cả trong những ngày lễ tết.

Không biết những người trông coi thường xuyên nơi chùa Tàu hít thở thế nào, chứ thỉnh thoảng lễ tết tôi ghé ngắm nghía, chụp hình ít phút mà đã chịu không nổi với khói nhang, mắt đã cay xè...

--> Read more..

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Lá phong.

Photobucket



Lá phong (maple leaf) là biểu tượng của đất nước Canada rộng lớn, hình ảnh của chiếc lá phong hiện diện trên quốc kỳ, quốc huy, và tiền xu của Canada. Chiếc lá có hình dáng đối xứng cân đối, trông hay hay. Nghe nói ban đầu lá có màu xanh, sang đến mùa thu lá chuyển sang vàng, qua mùa đông chuyển qua màu đỏ rồi rơi rụng theo những cơn gió.

Cô bạn Marguerite mới đi Nhật về (chứ không phải Canada), bên Nhật hiện giờ cũng rất lạnh, nhiều nơi có tuyết, có đem về tặng một chiếc lá phong khô, tôi chụp hình post lên chơi.

--> Read more..

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Lễ tạ.

Photobucket

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket



Hôm nay đã là 13 tháng chạp, sắp đến ngày rằm cuối năm, trời đất miền Nam ảnh hưởng cái lạnh có hơi âm u, nhưng không rét cắt da như ở miền Bắc, những người Việt xa xứ, xa đất nước đã lục tục đáp máy bay trở về nhà, bên người thân... cũng là lúc có những người theo phong tục dân gian ngồi lại tổng kết cuối năm, lễ tạ thần thánh đã cho một năm làm ăn may mắn, bệnh tật qua loa, gia đạo yên ổn...

Buổi sáng cuối năm có chút rảnh rỗi, xách cái máy hình đáo qua ngôi đền thờ Đức Thánh Trần ở Saigon, tôi đã nhìn thấy những hình ảnh lễ tạ như thế, có người ghé dâng ít hoa quả, có người đặt một mâm nhỏ, có gà, có xôi, có oản, trái cây, giấy tiền vàng bạc, cùng một cái sớ viết bằng chữ Nho hẳn hòi, do một ông cụ viết chữ ở đền làm giúp. Lễ tạ xong đền chia cho một ít mang về gọi là Lộc thánh...

Tôi tìm hiểu được biết lễ tạ này hoàn toàn do ý nguyện của gia chủ, cũng không tốn kém lắm, một cách để nhớ công ơn của tiền nhân, tạ ơn trời đất, cũng là một nét văn hóa trong cộng đồng...

--> Read more..

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Mai vàng.

Photobucket

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket



Dịp Tết, ở miền Bắc có hoa Đào thì trong Nam có hoa Mai, hoa Đào hồng hay phơn phớt hồng, lung linh chúm chím trong tiết trời giá rét, hoa Mai lại nở vàng rực rỡ trong nắng ấm. Người Việt mình thế mà hay, như một người bạn nhận xét, dịp này vừa được sống trong cái không khí đầu năm, lại vừa được hưởng tiết trời cuối năm, và lại càng ngộ nghĩnh, có những người xa xứ mong mỏi được trở về nhà, về lại quê hương, bên người thân, thì cũng có người sau một năm vất vả với công việc, cùng gia đình thu xếp hành lý, đi nghỉ ngơi ở một chốn xa, có khi tận nước ngoài.

Sáng nay đã thấy những nụ mai nở sớm, báo hiệu những ngày Tết đã cận kề...

--> Read more..

Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2011

Chụp ảnh.

Photobucket

Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket

 Photobucket



Bây giờ không gì dễ bằng chụp ảnh, nhờ những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật. Trước đây để có được những tấm ảnh (đen trắng và màu) thường phải ra tiệm, hoặc đi du lịch đâu đó nhờ thợ chụp hình chụp. Thời đó, khoảng từ năm 90 trở về trước, máy chụp hình là "đồ chơi" khá đắt tiền, và cũng khó sử dụng, phim ảnh cũng khó kiếm và đắt, lắm khi đám cưới cũng chỉ dám chụp một vài cuộn phim màu. Sau này máy chụp ảnh và phim tương đối phổ biến, nhờ những chiếc máy ảnh du lịch, gọn nhẹ, dễ sử dụng, phụ nữ hay con trẻ cũng bấm chụp được dễ dàng... Nhất là những năm trở lại đây, thời đại kỹ thuật số phát triển, những chiếc máy chụp hình càng trở nên gọn nhẹ, những chiếc thẻ nhớ kích thước chỉ bằng con tem bưu điện thay cho những cuộn phim cồng kềnh, lưu được cả ngàn tấm ảnh chất lượng, máy ảnh tự động hoàn toàn tha hồ cho chúng ta chớp nháy, cộng thêm những phần mềm chỉnh sửa hình ảnh nên ai cũng có thể trở thành nhà nhiếp ảnh.

Máy chụp ảnh bây giờ cũng trở nên quá phổ biến, đủ mọi giá tiền cho mọi người, vài triệu cho tới vài trăm triệu. Thật ra thì với kỹ thuật và chất lượng máy móc bây giờ, không khó để chụp được một tấm hình đẹp, một chiếc máy ảnh du lịch bỏ túi giá cỡ 2, 3 triệu bây giờ là đã cho ra một tấm ảnh lưu niệm hay phong cảnh, chân dung, hoa cỏ rất đẹp. Nhưng không phải tự nhiên mà người ta làm ra những chiếc máy chụp ảnh rẻ tiền và đắt tiền, ấy là để phục vụ cho đủ mọi tầng lớp, đủ mọi nhu cầu của con người, đủ mọi loại công việc. nếu thỉnh thoảng bạn chỉ chụp hình lưu niệm chơi với người thân, bạn bè... thì chỉ cần sắm chiếc máy bỏ túi tầm cỡ 2, 3 triệu đồng (vậy chứ "chấm" của máy có thể lên trên mười chấm), ống kính zoom cỡ 5X hoặc 7X là đủ "chơi" rồi. Loại này cũng vẫn chụp được hình phong cảnh, chân dung, hoa cỏ, cây trái... rất đẹp. Tuy nhiên nếu muốn chụp được những tấm hình chim chóc, ong, bướm... ở xa, hoặc hoa cỏ lung linh... lại phải đầu tư cao hơn chút đỉnh, đó là những chiếc máy ảnh thay được ống kính, và ít nhất cũng phải kiếm được 2 cái ống kính, một cái ống kính zoom wide (góc rộng) và một cái zoom tele kha khá, để chụp chim chóc, hoa bướm... và hầu bao cũng phải mở rộng hơn chút nữa, thời giá bây giờ khoảng trên 10 triệu đồng...

Nhưng nói gì thì nói, máy móc cũng chỉ là phương tiện để con người thực hiện ý định của mình... cái quyết định để chụp được một tấm ảnh đẹp cũng vẫn là con người, là chính mình. Thật ra có rất nhiều bạn cầm chiếc máy ảnh lên gần như chỉ biết ngắm và bấm. Bây giờ có lẽ cũng chẳng cần phải biết đến những khái niệm khẩu độ, tốc độ, tiêu cự... của máy ảnh làm gì, nhưng một khi cầm chiếc máy ảnh lên ngắm chụp, chúng ta cũng nên biết sử dụng qua một số tính năng cơ bản và kỹ thuật của máy... Có bạn nói với tôi, được người nhà ở ngoại quốc tặng cái máy hình mấy trăm đô nhưng mà sao chụp hình màu sắc xấu quá, hoặc hình ảnh sao mờ mịt... khi bạn đưa máy cho xem mới biết menu máy chỉnh lung tung, máy 10 "chấm" chỉnh còn 2 chấm, Iso lên tới 1600, Balance (cân bằng trắng) để ở chế độ chụp dưới ánh đèn neon... và ống kính thì dấu tay (có khi đi chơi đang ăn cái gì đó) đầy trên ống kính... Hỏi thì bạn chẳng biết gì cả, chỉ biết giơ máy lên bấm chụp... Cho nên đối với chiếc máy ảnh của bạn, ít nhất bạn cũng cần phải biết sử dụng mấy phần cơ bản nêu trên...

Một khi bạn đã nắm được mấy cái cơ bản ấy, thì tha hồ mà chụp, bây giờ chụp bằng thẻ, khỏi phải rọi hình tốn tiền thì hãy chụp thoải mái, và điều rất quan trọng, là bạn hãy ngắm chụp, lấy bố cục, góc cạnh... theo suy nghĩ và ý thích của mình, đừng nghĩ là mình phải chụp... giống như một ai đó. Nhiều lần tôi đi chơi, chụp hình với bạn bè, hay những lớp nhiếp ảnh, có những ông thày nhiếp ảnh luôn luôn muốn học trò phải chụp theo ý của ông ấy, từ ý tưởng, ánh sáng, bố cục, góc cạnh... cái này thì nói thật, cũng giống như bài văn mẫu, giống như là "lề phải", không muốn người khác suy nghĩ khác mình... Nhiếp ảnh, hay nghệ thuật nói chung là tự do, là sáng tạo, không phải là sao chép, rập khuôn... Xứ mình bao nhiêu năm không "khá" nổi trong nhiều lãnh vực cũng là do chuyện này...

Sắp Tết rồi, sẽ có chợ hoa, đường hoa, hội hoa, quần áo đẹp... nhiều lễ hội... tha hồ cho chúng ta có những tấm ảnh đẹp.

 

--> Read more..

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Người Việt lạc quan...


Hôm nay đọc mấy tờ báo giấy và cả báo mạng, thấy có tin như thế này "Người Việt lạc quan về tương lai". Không phải là tin tức từ các hãng thông tấn... vỉa hè, hay cà phê cóc đâu nhé, tin của Viện dư luận BVA và Tổ chức quốc tế Gallup đưa đàng hoàng, mà không những lạc quan, người Việt còn được xếp đứng đầu trong nhóm 10 nước lạc quan nhất thế giới, và người Pháp được xếp là dân tộc bi quan nhất thế giới.

Trước khi nói tiếp vấn đề, tự nhiên tôi chợt nhớ lại một câu chuyện vui về bi quan và lạc quan, câu chuyện này chắc cũng có nhiều người biết, chuyện như thế này: "Thời còn đi khai phá thuộc địa, ông chủ một hãng giày ở Châu Âu mới gởi 2 nhân viên dưới quyền sang một xứ Châu Phi, xem xét cơ hội làm ăn của hãng. Người thứ nhất sang tới nơi, sau mấy ngày đi tìm hiểu, đánh một bức điện tín với nội dung "Không hy vọng gì cả, ở đây chẳng có ai đi giày". Người thứ hai cũng bỏ mấy ngày đi khảo sát, đánh một bức điện về hãng "Cơ hội làm ăn lớn, ở xứ này chưa một ai có giày".

Chẳng biết sau đó hãng giày Châu Âu này có làm ăn gì được ở cái xứ Châu Phi đó không? Nhưng qua câu chuyện này chúng ta rút ra được một điều, đấy là cách nhìn của mỗi người với sự việc, người thứ nhất, có lẽ là người không lạc quan, ông ta cảm thấy chán nản ngay khi không thấy người bổn xứ đi giày, họ không đi giày thì còn mong gì bán được giày cho họ cơ chứ? Chắc ông ta lập luận như vậy. Còn người thứ hai, có lẽ là người lạc quan, mắt ông ta sáng lên khi thấy dân bổn xứ chưa có giày để đi, chỉ cần năm, mười phần trăm trong số họ chịu mua giày là hãng của ông ta... trúng lớn. Cùng một vấn đề, nhưng mỗi một người có một cái nhìn và suy nghĩ khác...

Trở lại chuyện "Người Việt lạc quan", trong cơ quan tôi cũng có vài người đọc báo tin này, có người nói, đúng là Tây đi khảo sát chuyện Ta, lạc quan sao nổi, vật giá leo thang từng ngày, sáng mở tờ báo ra đọc, thấy vàng đã nhảy lên thêm mấy trăm ngàn một lượng, nói chi đến vàng là chuyện xa xôi, mua gói xôi, hay khúc bánh mì thịt cũng đã tăng thêm một ngàn... Ra đường trời nắng thì bụi bặm mù trời, đường xá đào lên đào xuống cứ mấp mô còn hơn cái đường làng, trời mới mưa một tẹo đâu đâu cũng như con sông, cướp giật, lừa đảo như rươi... Xứ gì mà thuốc chữa bệnh và sữa cho trẻ con, người già là đắt nhất thế giới, rồi còn trăm thứ chuyện bà giằn khác nữa, xã hội đảo điên, điên đảo, dân gì mà chẳng còn tí lịch sự, ra đường chỉ tranh với giành, 2 tiếng xin lỗi và cám ơn bây giờ hầu như biến mất, người ta sẵn sàng nhào vào nhau ẩu đả chỉ sau một cái va chạm xe nhẹ... vân vân và vân vân... Làm sao mà lạc quan nổi cơ chứ?

Anh bạn ấy nói thế cũng đúng, tôi cũng chẳng muốn tranh cãi làm gì, nhưng mà tôi lại nghĩ khác anh bạn kia, hẳn là như thế rồi, người Việt bao nhiêu đời nay chịu đựng đủ thứ, đâu có phải chỉ những thứ như anh bạn nói, xưa nay cái ghê gớm nhất dân ta phải chịu đựng là chiến tranh, bao nhiêu ngàn năm dựng nước chắc cũng gần từng ấy năm dân ta phải chịu cái khổ sở, mất mát do chiến tranh đem đến, người thân mất, nhà tan cửa nát, gia đình ly tán... Kế đến là thiên tai, mưa bão, lũ lụt... rồi kể cả nhân tai nữa, quan lại, cường hào ức hiếp, tham nhũng, bất công, cứ thử cầm cái đơn ra phường thôi, nhiều khi đã muốn nổi đóa... ôi thôi, đủ thứ, đủ kiểu hành dân... Nhưng mà chừng như chính những điều đó, tất cả những gì không may đó, đã lại hun đúc cho dân ta cái tính lạc quan, làm sao mà không lạc quan để mà tiếp tục cuộc sống, hãy cứ xem bà mẹ Việt Nam trên một trăm tuổi, đã từng nhận được tin báo tử của mười một người con trong chiến tranh, nếu không lạc quan làm sao người mẹ bất hạnh này sống nổi? Và hãy cứ thử nhìn người dân Tây, dân Mỹ xem, họ quen sống trong sung sướng, chỉ lên giá vài phần trăm cà chua, khoai tây, là dân chúng đã xuống đường biểu tình...

Cũng có thể là người mình luôn có tính lạc quan... tếu, nhất là ở nơi mấy ông... nhậu, chuyện gì mấy ông nhậu cũng mang ra cười đùa nơi bàn nhậu được, hay như một tin ngắn khác trên báo, Hội An mới nghiên cứu mở thêm tour du lịch... chèo thuyền chở du khách dạo phố mùa nước lũ (chuyện thật, ắt hẳn đấy là suy nghĩ của những người lạc quan tếu, nhưng dù tếu đi nữa cũng hay lắm).

Chắc chắn người Việt mình lạc quan nhất thế giới rồi, tôi đồng ý với điều tra của Viện dư luận BVA và Tổ chức quốc tế Gallup, coi như một tin vui để chúng ta bước vào năm mới, thập kỷ mới, dẫu gì hãy cứ lạc quan lên các bạn...

--> Read more..