PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Bông - Hoa.




Có một từ ngữ chúng ta vẫn thường dùng, đọc, nói hàng ngày mà chắc chắn ai cũng rõ nghĩa, đó là danh từ Bông - Hoa. Hồi nào tới giờ hình như chúng ta hiểu Hoa là từ ngữ của người miền Bắc và Bông, là từ ngữ của người miền Nam hay nói, viết, nói cách khác Hoa là phương ngữ của miền Bắc, và Bông là phương ngữ của miền Nam, cũng như khi ta nói "con lợn" và "con heo" vậy. Tuy nhiên khi đọc trong sách vở tôi thấy có một cái gì đó ngờ ngợ, không hẳn là như thế.


  Chữ Bông trong tiếng Nôm, gồm chữ Thảo (chỉ ý), và chữ Phong (chỉ âm).
 


                           Chữ Hoa trong tiếng Hán - Việt và chữ Nôm.


Chữ Hoa được dùng thường xuyên ở miền Bắc điều này đã rõ, nhưng chữ Bông vẫn dùng trong văn chương xuất hiện tại miền Bắc đã từ lâu, chẳng hạn chúng ta thấy trong những câu Kiều của văn hào Nguyễn Du dưới đây:

- Cành lê trắng điểm một vài bông hoa (câu 42), Gió hiu hiu thổi một vài bông lau (câu 98), hoặc: Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông (câu 1308).

Như chúng ta cũng đã biết, Nguyễn Du (1766-1820) xuất thân trong dòng họ Nguyễn ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng gốc gác của Ông ở làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc Hà Tây), và thời niên thiếu Ông sống ở Thăng Long. Sau làm quan dưới triều Nguyễn, và mất dưới thời Minh Mạng tại kinh thành Huế.

Chữ bông trong ba câu Kiều trên, từ điển truyện Kiều của Đào Duy Anh giải thích: 1/ Bông: cái hoa, 2/ Loại từ dùng để chỉ cái hoa. Từ điển từ cổ của Vương Lộc viết: Bông: 1/ Hoa, 2/ Đóa (hoa). Người Rục cũng dùng từ bông để gọi bông, hoa, và phương ngữ Bắc Trung bộ cũng gọi hoa là bông, boông.

Như vậy, như chúng ta đã thấy, từ bông không chỉ được dùng riêng ở miền Nam, không hẳn chỉ là phương ngữ Nam bộ.

Thế còn từ hoa, có phải là phương ngữ của miền Bắc hay không? tôi thấy chữ hoa có lẽ cũng không phải chỉ là phương ngữ của miền Bắc. Miền Nam cũng dùng chữ Hoa, chẳng hạn trong nguồn gốc của "cầu Bông" tại Sài Gòn, sách Sổ tay Địa danh Thành phố HCM của Lê Trung Hoa, Nguyễn Đình Tư viết: Ban đầu gọi là cầu Cao Miên vì cầu ở cạnh khu vực người Cao Miên là Nặc Tha cư ngụ (từ năm 1736). Sau gọi là cầu Hoa vì ở cạnh vườn hoa của lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (lăng Lê Văn Duyệt ngày xưa rất rộng, kéo dài đến rạch Thị Nghè). Từ năm 1842, vì kỵ húy bà Hồ Thị Hoa (mẹ vua Thiệu Trị), đổi bằng từ đồng nghĩa, thành cầu Bông. Về từ hoa, cũng do kỵ húy mà ở miền Nam đổi thành huê, như chúng ta vẫn thấy trong những từ huê viên (hoa viên), huê lợi (hoa lợi)...

Ở Việt Nam, sách vở cũng có nói, có một thứ ngôn ngữ Việt cổ đó là tiếng Mường ở vùng thượng du Bắc bộ, người Mường là một dân tộc có dân sđứng hàng thứ ba (khoảng gần một triệu người) trong cộng đồng các dân tộc tại Việt Nam, gồm 54 dân tộc). Trong ngôn ngữ của người Mường (Hòa Bình) vẫn còn tồn tại hai danh từ để chỉ bông, hoa chúng ta còn thấy được, như sau:

1/ pông: bông, hoa. Câu tiếng Mường: nhà nả cỏ môch câl chi pông hơm lẳm (nhà nó có một cây gì hoa thơm lắm).

2/ wa: hoa. câu tiếng Mường: cải pông wa nì pẫu hốc là pông chi? (bông hoa này người ta gọi là hoa gì?).

Như vậy có lẽ danh từ bông, hoa là từ ngữ có từ xưa, đã được dùng trên khắp mọi miền của đất nước...



Sách tham khảo:

- Tự điển chữ Nôm, Nguyễn Quang Xỹ - Vũ Văn Kính, Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu Sài Gòn xuất bản năm 1971.

- Từ điển Văn học Việt Nam, Lại Nguyên Ân, Bùi Văn Trọng Cường, nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2005.

- Từ điển truyện Kiều, Đào Duy Anh, nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1974.

- Từ điển Từ cổ, Vương Lộc, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học Hà Nội - Đà Nẵng xuất bản năm 2002.

- Sổ tay Địa danh TP HCM, Lê Trung Hoa, Nguyễn Đình Tư, nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ xuất bản năm 2012.

- Từ điển Mường - Việt, Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ - Hoàng Văn Hành, Viện Ngôn Ngữ học, nhà xuất bản văn Hóa Dân Tộc Hà Nội xuất bản năm 2002.


   
                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét