PNH


Vãn giác văn chương chân tiểu kỹ... Tô Đông Pha.




Một góc nhìn...


Photobucket
Photobucket

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Vài nét về Gia Định năm xưa.


                                      Dinh Xã Tây (UBND TP). Ảnh: Internet.

                            Dinh Tham Biện Gia Định (UBND quận Bình Thạnh)


                                     Săn hổ ở Gia Định năm xưa. Ảnh: Internet.



Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí chép, Gia Định xưa là nước Phù Nam, sau bị Chân Lạp thôn tính, gọi là Thủy Chân Lạp, là Giản Phố Trại (phiên âm chữ Hán của Căm pu chia). Đầu năm Kỷ Mùi (1679) Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế (Nguyễn Phúc Tần, 1648-1687) sai tướng mở mang biên cảnh, lập đồn dinh ở Tân Mỹ. Năm Mậu Dần (1698), Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế (Nguyễn Phúc Chu, 1691-1725) lại sai Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính (Nguyễn Hữu Cảnh) kinh lược đất ấy, đặt phủ Gia Định, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, đặt chức Giám quân, Cai bạ và Ký lục để cai trị.

Sau này đất Gia Định còn chứng kiến biết bao nhiêu binh lửa, cuộc chiến tranh dai dẳng giữa Nguyễn Ánh và anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ, giữa nhà Tây Sơn và quân Xiêm, giữa triều Nguyễn và thực dân Pháp...

Đất Gia Định (vùng đất Sài Gòn) theo sử sách được hình thành như thế, vào khoảng nửa cuối thế kỷ thứ 17, trên vùng đất Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobey (Bến Nghé) của Chân Lạp năm xưa. Đất Gia Định khi ấy còn là rừng rậm bạt ngàn, đầy thú dữ. Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức cũng có chép, chợ Tân Cảnh (Tân Kiểng), tục gọi chợ Quán (vùng chợ Quán bây giờ thuộc quận 1, là quận trung tâm Sài Gòn). Ở phía nam Trấn thự (thành Gia Định), cách hơn 6 dặm, phố chợ trù mật, hàng năm tết Nguyên đán thường dựng cây đu cho nên gọi là Chợ Lớn. Ngày 25 tháng giêng mùa xuân năm Canh Dần, Duệ Tông thứ 6 (1770) (Lê Hiển Tông Cảnh Hưng thứ 31, Thanh Càn Long thứ 35), sau khi đại định, có hổ dữ vào nhà dân ở phía nam chợ này hét kêu dữ dội, nhân dân sợ hãi, báo đến dinh đồn, sai quân đến vây bắt, cả nhà cửa làm rào giậu bao vây nhiều lần. Hổ rất hung tợn, không ai dám đánh. Đến ngày thứ ba, có nhà sư từ xa đến là Hồng Ân và đồ đệ là Trí Năng tình nguyện vào bắt hổ. Hồng Ân đánh nhau với hổ, hồi lâu hổ bị côn đánh đau, nhảy vào bụi tre, Hồng Ân đuổi theo, hổ đánh lại, Hồng Ân lui bước vấp ngã xuống ngòi, bị hổ vồ bị thương. Trí Năng tiếp ứng, đánh trúng đầu hổ làm hổ chết ngay. Hồng Ân bị thương nặng cũng chết ngay sau đó. Người ở chợ cảm nghĩa nhà sư, chôn ở đất ấy, xây tháp, nay vẫn còn... Sự tích hai nhà sư Hồng Ân và Trí Năng đánh hổ ở chợ Tân Kiểng sách Đại Nam Nhất Thống Chí cũng chép như thế.

Còn sông Bến Nghé, tên chữ là Ngưu Chử còn gọi là sông Tân Bình, sách Đại Nam Nhất Thống Chí có chép, tục truyền sông này khi trước có nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau, kêu như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế. Buổi đầu Trung hưng, năm Mậu Thân (1788), thu phục Gia Định, sông này nước trong. Năm Gia Long thứ 16 (1817), nước lại đục. Năm Minh Mạng thứ hai (1821), và năm thứ sáu (1825), nước sông có hai lần trong, người ta cho là điềm thái bình. Năm Minh mạng thứ 19 (1838), đúc chín cái đỉnh, khắc hình tượng sông Bến Nghé vào Cao đỉnh (Cao đỉnh là đỉnh đặt trước miếu Thái Tổ Cao Hoàng đế ở Thế Miếu), ghi vào Tự điển.

Trên đất Gia Định năm xưa còn có Thành Gia Định, được xây dựng vào năm Canh Tuất (1790) ở thôn Tân Khai, còn gọi là thành Bát quái hình như hoa sen, mở ra 8 cửa... còn gọi là thành Qui, vị trí nằm giữa 4 con đường mang tên: Đinh Tiên Hoàng (đông), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (tây), Lê Thánh Tôn (nam), Nguyễn Đình Chiểu (bắc)... Ngoài ra còn có Lũy Bán Bích (bán bích: hình nửa ngọc bích) do Đốc chiến Tiên triều là Nguyễn Cửu Đàm đắp...

Về các loài thú thì đất Gia Định năm xưa Đại Nam Nhất Thống Chí có chép gồm đủ các loại thú như: tê giác, voi, gấu, hổ, báo, trâu, ngựa, dê, huơu, nai, bò tót, lợn rừng, thỏ, dưới sông có cá sấu...

Thương hải tang điền, bãi biển thành nương dâu... chỉ mọi vật thay đổi, mấy trăm năm trôi qua, vùng đất Gia Định - Sài Gòn đã có biết bao nhiêu đổi thay...

Sách tham khảo:

- Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, Tổng tài Cao Xuân Dục, Toàn tu: Lưu Đức Xứng, Trần Xán, Hoàng Văn Lâu dịch, nhà xuất bản Lao Động - Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây xuất bản năm 2012.


- Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức, dịch giả: Đỗ Mộng Khương - Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính và chú thích: Đào Duy Anh, Viện Sử Học, Nhà xuất bản Giáo Dục xuất bản năm 1999.


4 nhận xét:

  1. em thấy thành Cổ Loa nhờ thần Kim Quy nên mới xây được , nhưng sau đó cũng bị mất về tay Triệu Đà , thành Gia Định còn gọi là thành Quy , dù sau đó bị phá bỏ , nhưng VN cũng mất về tay quân Pháp , hồ Con Rùa ở SG , dù bị yếm cho yên nhưng sau đó nền Cộng Hòa non trẻ cũng không còn ....

    nhưng mà Quy kết hợp với Mã thì ngon lành ( Quy Mã là Qua Mỹ , heheheh....)

    Trả lờiXóa
  2. Hihi, hay quá nhỉ bạn Phúc? Thành Gia Định có đến 2 thành, đầu tiên là thành có quy mô lớn do Nguyễn Ánh xây, gọi là thành Phụng, hết đời Tả quân Lê văn Duyệt, sang đời Lê Văn Khôi nổi loạn, sau 3 năm bị triều Minh Mạng dẹp, cho phá thành Phụng sau đó xây lại thành Quy nhỏ hơn, thành Quy sau bị người Pháp đánh chiếm, cũng bị phá nốt. Hồ Con Rùa nghe nói do chính quyền ông TT Thiệu "yểm" long mạch gì đó, nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu, cuối cùng con rùa cũng "tiêu tán đường"...

    Nếu không Quy Mã được thì... Mã Quy cũng... đỡ khổ, heheheheeee!

    Trả lờiXóa
  3. anh Hiệp bị tẩu hỏa nhập ma rồi , thành Quy có trước , thành Phụng có sau , hehheheh....

    Trả lờiXóa
  4. Thành Quy có trước thành Phụng hả? hehe, xí lộn!

    Trả lờiXóa